Mình vừa có một em bé, em bé đã được 4,5 tháng tuổi. Mọi thứ không dễ dàng gì khi cuộc đời xuất hiện một đứa bé. Bạn có thể lơ là chăm sóc một cái cây, một con thú, nhưng bạn không thể lơ là một đứa bé. Không phải vì nó khóc, la hét suốt ngày, mà có thể bởi vì mỗi ngày con mỗi có gì đó mới lạ để bạn ngạc nhiên.
Trước khi có bé mình đọc rất nhiều sách về việc chăm sóc trẻ em và làm cha mẹ. Bởi vì gia đình mình vốn không có nhiều trẻ nhỏ nên mình không có kinh nghiệm chăm em bé. Việc học làm cha mẹ thật sự không thừa đâu. Từ thai giáo đến những ngày đầu tiên của em bé, từ biểu hiện của con, tiếng con khóc, từ cách cho bú, cách ôm, cách trò chuyện, cách dạy con… bạn nên chuẩn bị trước để có một hành trình rất dài với em bé.
Có kiến thức về em bé sẽ giúp cho bạn:
-Không stress khi bé quấy khóc hoặc vào các tuần khủng hoảng.
-Chơi gì với con để em bé không chán và bạn cũng không chán khi ở nhà cả ngày với bé.
-Ăn uống khoa học để bé phát triển thể chất tốt.
Tuy rằng mình đã chuẩn bị khá nhiều thứ từ kiến thức đến tinh thần nhưng khi mang thai và đến khi em bé ra đời – khoảng thời gian thực nghiệm ấy, đúng là không thứ gì như sách 100% cả.
1.Một em bé không hoàn hảo
Bạn có thể có một em bé không hoàn hảo, dù đã làm tất cả các bài siêu âm và xét nghiệm. Em bé của mình bị một khiếm khuyết nhỏ, mà khi em bé ra đời, bác sĩ theo dõi cho mình bảo rằng: “Siêu âm không thấy được, xét nghiệm cũng không biết.”
May mắn là em bé không bị những di chứng khác. Tuy nhiên, mình đã rất sốc trong những tuần đầu tiên tiếp nhận con. Mình đã đặt ra nhiều câu hỏi, mình tìm lý do, mình cáu giận với bản thân vì đã không cẩn thận trong lúc mang thai.
Và rồi sự đáng yêu của em bé đã làm mình bình tâm lại. Nếu cho rằng đó là số phận mà con phải nhận khi đến với cuộc đời này, thì đây cũng là bài thi của mình khi làm mẹ. Rằng có người đến với thế giới lành lặn nhưng họ cũng có những khiếm khuyết riêng của mình. Những thứ không hoàn hảo không nhìn thấy bằng mắt, mình chỉ có thể thông cảm và chấp nhận những thứ đó mà thôi. Thời gian sẽ giúp con chữa lành những gì con thiếu, việc của mẹ là giúp đỡ con trên con đường khó khăn đó.
2.Bốn tuần đầu bỡ ngỡ
Đón em bé về. Cảm nhận đầu tiên là em bé không quá yếu ớt đâu, cũng không quá khó bế. Nhưng mình vẫn có cảm giác sợ khi bế con, vì cứ phải đỡ đầu đỡ mông loạn xạ cả lên.
Những tuần đầu tiên, cả cho bú mình cũng rối não. Bú bình thì rất dễ rồi, nhưng các bài hướng dẫn bú mẹ trực tiếp thế nào, mình quên sạch. Lúc ấy mình chỉ đang hứng chịu các cơn giận của con khi nó đói, nó gào khóc, giẫy nẫy, rất khó để giữ cố định em bé. Và nó cứ khóc hoài thôi, đói khóc, ngủ khóc, tã ướt khóc, cứ mở mắt dậy là bú, bú no thì ngủ. Khi ngủ đôi lúc có cười mỉm chi làm tan chảy mọi người xung quanh, nhưng khi mở mắt ra là khiến mẹ nó sợ.
Vì có lẽ không ai nói cho bạn biết, em bé bú trực tiếp rất đau ti, rất rất đau. Ngực của bạn từ lúc mang thai đã nhạy cảm rồi, sinh con xong lại càng nhạy cảm, khi em bé bú thì trời ơi, thề là buốt đến óc. Đôi môi bé xinh của em làm mẹ đau kinh khủng và cuối cùng mình đã bỏ cuộc vì không chịu đựng được những chuyện đấy.
May mắn là, bạn chỉ cần tha thứ cho bản thân, rằng, thứ em bé cần nhất là tình yêu thương của mẹ, mẹ có thể hút sữa ra cho bé bú, rồi mẹ ôm ấp bé cho bé ngủ. Chứ không nhất thiết phải theo một tượng đài người mẹ nào cả. Bốn tuần đầu tiên rồi sẽ qua, bạn sẽ quen với nhịp ăn ngủ thất thường của bé, bé cũng từ từ điều chỉnh việc bú ngủ để bắt đầu qua giai đoạn mới.
3.Những cơn giận
Người mẹ nào cũng sẽ bị stress, tệ hơn là trầm cảm sau sinh. Bởi vì sao, vì nhịp sinh hoạt của mẹ bị đảo lộn hoàn toàn, mỗi ngày chỉ ngủ chừng vài tiếng. Cứ cách 2-3h lại phải lồm cồm dậy khi thì cho bú, khi thì hút sữa, khi thì chơi với con, khi thì tắm, khi thay tã… nói chung là, bạn cứ tưởng tượng khái niệm ngày đêm không tồn tại, bạn vừa chợp mắt lại phải dậy trông con. Về mặt sức khỏe, bạn kiệt quệ.
Khi con khóc, tinh thần bạn suy sụp. Có khi em bé gào thét mà bạn thậm chí không biết tại sao. Bé đã bú no, tã đã thay, nhưng mãi mà không dỗ ngủ được. Tiếng khóc ong ong của con làm bạn ước gì có cái volumn để vặn nhỏ tiếng lại. Nhưng không, nó vẫn ong ong bạn cho đến khi em bé đã đi ngủ được nửa tiếng.
Việc cho con bú đã rất tệ vì đau đớn. Bạn sinh thường, hay sinh mổ, bạn cũng sẽ nhận những nỗi đau khó hiểu ở nửa bụng dưới của bạn, nơi hệ tiêu hóa ruột già bàng quang trực tràng vẫn chưa quen với việc tử cung của bạn đã hết chèn ép. Ngoài những cơn gò tử cung, thì các cơ quan tiêu hóa như đang phình ra lại bằng các loại khí. Khí tấn công bạn bằng những khối khí trong bụng, có khi ngủ dậy bạn thấy bụng mình căng cứng mà chỉ có khi xì hơi bạn mới cảm thấy cuộc đời tươi đẹp trở lại.
Và vì hệ tiêu hóa khó chịu, nên bạn rất chán ăn. Nhưng đời nó dịu kì lắm, khi bạn càng chán ghét thứ gì thì nó càng hiện hữu. Vì để có sữa cho em bé bú, gia đình và chồng sẽ cố ép bạn ăn nhiều. Bạn đừng nghĩ ăn nhiều là sẽ được ăn các món ngon, các món bạn thích. Không nhé, gần như hai tuần liền bạn chỉ được ăn thịt heo và một số loại rau vì phải kiêng cữ sau sinh. Bạn ăn và nhai cứ như bò nhai cỏ í, chán kinh khủng mà cứ phải ráng nuốt. Cũng là vì con.
Còn chuyện ở cử sau sinh là vì bạn đây. Nhưng nó cũng chán lắm. Một danh sách dài dai dở mà mình đã bỏ cuộc thà chết chứ không làm nữa: không tắm, không gội đầu, mặc đồ dài, không nằm quạt, không nằm máy lạnh. Sau sinh mình muốn làm mẹ chăm con chứ thật sự không muốn thành con ma.
Vì ở cử nên về nhan sắc, bạn hoàn toàn mất tự tin. Thiệt sự mình biết mình cũng không phải mỹ nhân. Nhưng sau sinh thì… nhìn tệ thật sự. Mọi thứ cứ như chịu lực hút trái đất gấp 3 lần. Từ mắt bạn, mặt, ngực, bụng, chân… tất cả mọi thứ bị kéo xuống kéo xuống làm bạn không dám nhìn vào gương.
Thần chú cho bạn: Ngày mai sẽ bớt tệ hơn, mình chỉ cần cố hôm nay nữa thôi. Đọc 3 lần trước khi ngủ và khi dậy, khi bạn thấy người mình cáu giận, khi bạn thấy mệt mỏi.
4.Easy nửa mùa
Easy là phương pháp nuôi con khoa học, tạo quy trình hằng ngày cho con. Điều kiện để Easy thành công là đúng giờ và kiên nhẫn.
Tại sao mình lại bảo mình theo easy nửa mùa? Vì mình chỉ tập cho con khoảng 2-3 tuần là đúng giờ thôi. Sau đó khi con mình bắt đầu quen với lịch trình, có thể tự ngủ và ngủ đêm tốt. Mình đã tự điều chỉnh giờ giấc sao cho phù hợp với con và phù hợp với mình. Không cần nhất nhất cứ giờ đó phải làm việc đó nữa.
Có rất nhiều thứ được nhắc khi áp dụng easy mà mình nửa mùa làm theo:
-Bế con khi con khóc. Thường mình chỉ để nút chờ khoảng 1-2ph. Sau đó là mình bế con. Dỗ con ổn rồi lại thả xuống.
-Con mình không thích ti giả.
-Con mình tự cai quấn khi được 4 tháng.
Nếu Nuôi con không giống trong sách thì bạn cần làm gì? Quan sát, quan sát và quan sát. Tin rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể rất khác biệt nên con sẽ khác rất khác với những gì sách mô tả cho bạn.
5.Học với con
Mỗi ngày con học những điều mới: học cười, học lật, học nghe, học nhìn, học trườn bò. Còn mẹ vẫn tiếp tục học làm mẹ. Học từ những quyển sách dạy con, học từ những kinh nghiệm những người xung quanh, học từ các chia sẻ trên internet.
Mỗi ngày mình đều ôm con, kể chuyện thủ thỉ, như có thêm một người bạn.
Mỗi ngày mình đều hát cho con nghe, như có thêm fan hâm mộ.
Mỗi ngày, mỗi ngày mình và con đều trao nhau những ánh mắt âu yếm.
Nuôi con là một công việc không ai giống ai, vì mỗi đứa trẻ đều khác nhau, nên mỗi người mẹ cũng khác nhau. Chúng ta chỉ có thể tham khảo những kinh nghiệm để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho con mà thôi. Hãy nhiệt tình giảng giải phương pháp nuôi con của bạn với những ai chưa hiểu, hãy ôm con vào lòng, hỏi con khi gặp trở ngại, tiếp thu ý kiến từ mọi người xung quanh. Điều cuối cùng là, bạn hãy tự tin mình đang là người mẹ tốt, và con bạn vẫn đang rất yêu bạn.